Rằm trung thu tết đoàn viên tháng 8 nên chuẩn bị những gì

Rằm trung thu – Tết đoàn viên tháng 8 trong văn hóa người Việt

Rằm trung thu được biết đến là một trong những ngày rằm lớn nhất tại Việt Nam. Bên cạnh ý nghĩa là ngày rằm, 15/ 08 âm lịch cũng là ngày Tết đoàn viên. Và bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có hiểu biết sâu sắc hơn về ngày tết truyền thống này.

Giới thiệu về nguồn gốc và ý nghĩa của tết đoàn viên (tết trung thu)

Nhắc đến tết trung thu thì có lẽ cái mà người ta quan tâm hơn bao giờ hết chính là ý nghĩa, nguồn gốc của nó. Mỗi một sự vật, hiện tượng, rõ hơn là một văn hóa được tồn tại đều có khởi nguồn và ý nghĩa đặc biệt của nó. Bản thân tết trung thu cũng không phải là ngoại lệ. Vậy thì tết trung thu tại Việt Nam có nguồn gốc từ đâu? Ý nghĩa của tết trung thu tại Việt Nam?

Nguồn gốc tết trung thu tại Việt Nam

Để biết được nguồn gốc của tết trung thu, trước hết chúng ta cần phải hiểu trung thu là gì.

“Trung thu” là một thuật ngữ phiên âm Hán Việt, trong đó khi tách chữ “trung” và chữ “thu” ra thì: “Thu” có nghĩa là mùa thu, “trung” có nghĩa là trung tâm, chính giữa, ở giữa. Xuất phát từ nguyên nghĩa đó có thể hiểu đơn giản nhất thì “trung thu” chính là một ngày được xác định vào thời điểm chính giữa mùa thu – 15/ 08 hằng năm. Vì ngày này gắn liền với văn hóa phương Đông cho nên sẽ xác định theo lịch âm lịch (lịch trăng).

Có rất nhiều quan niệm khác nhau về nguồn gốc của tết trung thu tại Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tết trung thu tại Việt Nam được bắt nguồn từ nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, gắn liền với điển tích về Dương Quý Phi. Tết trung thu ở góc độ này được gọi với cái tên cổ đại là tết trông trăng.

Tương truyền dưới thời nhà Đường đời vua Đường Huyền Tông, Dương Quý Phi – một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa – mang sắc vóc tuyệt trần. Nàng trở thành sủng phi lớn nhất trong hậu cung của Đường Huyền Tông. Sắc đẹp vượt quá giới hạn của nàng khiến Đường Huyền Tông trở nên đam mê nữ sắc, không còn coi trọng triều chính. Nàng bị các đại thần trong triều lên án, chính vì thế họ ép nhà vua phải ban cho nàng cái chết. Không chịu được sức ép giữa một bên là tình yêu, một bên là triều đình, vua Huyền Tông đã buộc phải ban cho nàng một dải lụa trắng trong niềm tiếc thương đau đáu. Tấm chân tình của nhà vua được các nàng tiên nữ trên trời hiểu thấu, cảm động. Vào đêm trăng sáng nhất hằng năm, tức là 15/ 08 âm lịch – ngày chính giữa của mùa thu, trăng tròn vành vạnh – vua Đường được lên trời gặp mặt sủng phi của mình. Khi trở về ông đã cho tổ chức và lưu truyền tết trung thu để tưởng nhớ đến ái phi Dương Quý Phi.

Xem thêm:  [Giải đáp] Vì sao tết trung thu còn gọi là tết đoàn viên?

Tết trung thu – tết trông trăng – trong văn hóa Trung Hoa cổ được ra đời từ đó và có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam.

Dưới một góc độ nghiên cứu khác (góc độ khảo cổ học), tết trung thu tại Việt Nam lại không hoàn toàn xuất phát từ văn hóa Trung Hoa. Những dấu vết văn hóa lễ hội trung thu được khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ khiến tết trung thu tại Việt Nam được xác định là một lễ hội – ngày tết truyền thống nội địa và có mặt chính thức dưới thời nhà Lý (kinh thành Thăng Long). Ở thời điểm này, tết trung thu là một ngày tết tạ ơn Thần Rồng mang ý nghĩa vui vẻ, chúc mừng một mùa màng bội thu, được tổ chức long trọng với nhiều hoạt động vui chơi dân gian như múa rối nước, rước đèn, đua thuyền. Về sau dưới thời vua Lê chúa Trịnh, tết trung thu tại Việt Nam thậm chí được tổ chức vô cùng xa hoa trong cung phủ. 

Ngoài những quan niệm về nguồn gốc của tết trung thu gắn liền với các điển tích, chứng cứ lịch sử, tết trung thu tại Việt Nam cũng xuất hiện song hành với những câu chuyện hết sức ly kỳ như: Sự tích chú Cuội – chị Hằng, sự tích Hằng Nga, sự tích Thỏ Ngọc, … Không phân định rõ, văn hóa Việt Nam từ xa xưa cho đến hiện đại vẫn chấp nhận dung hòa tất cả những câu chuyện ấy khiến tết trung thu vô cùng thân thuộc, và cái hay hơn cả là nó lại được lòng thế hệ thiếu nhi. Chị Hằng, chú Cuội, chị Thỏ Ngọc là những cái tên vô cùng thân thương, dễ mến trong lòng của các bé. Khi tết trung thu là tết thiếu nhi thì những câu chuyện này được truyền miệng rộng rãi hơn, thậm chí khiến nhiều người cho rằng đây là nguồn gốc được thừa nhận nhiều nhất.

Như vậy thì tùy từng góc độ nghiên cứu cũng như thế giới quan khác nhau mà bạn có thể lựa chọn cho mình cái nhìn riêng về nguồn gốc của tết trung thu tại Việt Nam.

Ý nghĩa tết trung thu

Cũng giống như nguồn gốc, tết trung thu có nhiều tầng ý nghĩa khác nhau gắn liền với các tên gọi không giống nhau.

Tết trung thu

Gắn liền với ý nghĩa ban sơ, khi mà tết trung thu là dịp để mọi người cảm tạ trời đất (dưới thời vua Lý tại Việt Nam là cảm tạ Thần Rồng) đã mang đến mùa màng bội thu. 

Ngoài ra, trong quan niệm của văn hóa cổ truyền thì ngày rằm trung thu, khi mà trăng tròn và sáng nhất cũng là dịp để người ta cầu may, dự đoán về vận mệnh của quốc gia, cuộc sống. Dựa vào màu sắc của trăng, nếu màu trăng thiên về ánh vàng sáng thì năm đó sẽ bội thu (thóc lúa, tơ tằm); nếu màu trăng thiên về ánh sáng xanh thì năm đó dễ xảy ra thiên tai (ánh thủy); còn nếu như màu trăng thiên về ánh vàng cam giống như mặt trời thì năm đó đất nước sẽ thịnh trị, may mắn.

Xem thêm:  Mâm lễ cúng ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng giêng, Bài cúng văn khấn

Tết đoàn viên

Ngoài ý nghĩa lịch sử, văn hóa lâu đời, thì trong tâm thức người Việt hiện nay, tết trung thu còn có ý nghĩa là ngày tết đoàn viên. Là ngày mà các thành viên trong gia đình có đi xa ở gần cũng đều sum họp, quây quần bên nhau chia sẻ niềm vui. Mọi người sẽ cùng nhau trò chuyện, phá cỗ dưới ánh trăng, tham dự lễ hội chung vui với những trò chơi dân gian. 

Tết thiếu nhi

Ngoài ý nghĩa là tết cổ truyền, tết đoàn viên, trung thu cũng được biết đến với ý nghĩa là một cái tết riêng dành cho thiếu nhi. Đây là các dịp để trẻ con được tham gia vào các trò chơi, lễ hội, được tặng quà và cảm nhận về một nét đẹp văn hóa. Thường thì tại đơn vị, tổ chức nào cũng vậy, cứ vào dịp rằm tháng 8 âm lịch ít nhiều sẽ tổ chức những hoạt động đặc biệt và đặc trưng có liên quan đến thiếu nhi, các cuộc thi, các chương trình giao lưu, tặng quà, khen thưởng, … 

Tết thiếu nhi còn gắn liền với câu chuyện của chị Hằng làm bánh cho các bé, câu chuyện về Bác Hồ nhớ thương nhi đồng.

Tết hoa đăng

Tại Việt Nam, ý nghĩa tết trung thu là tết hoa đăng ít có tính phổ biến hơn, tuy nhiên nó vẫn được công nhận.Và nếu xét đến nguồn gốc thì có lẽ rằng tết hoa đăng cũng gắn liền với nền văn minh Trung Hoa lớn: Là dịp mọi người cùng thả những ngọn hoa đăng trên dòng nước để cầu mong về sự may mắn, an lành.

Bánh trung thu truyền thống

Bánh trung thu từ lâu đã trở thành hình ảnh đại diện không thể thiếu của tết trung thu. Và tại Việt Nam nói riêng thì có 2 loại bánh trung thu truyền thống là: Bánh nướng và bánh dẻo. Tùy vào sở thích cũng như phong vị khu vực, vùng miền mà vị nhân của bánh được tạo nên từ các nguyên liệu khác nhau, tạo nên tính đa dạng và phong phú của bánh trung thu truyền thống trong đời sống hiện đại – hội nhập.

Bánh nướng

Được ưa chuộng hơn cả trong dòng bánh trung thu truyền thống có lẽ chính là bánh nướng.

Bánh nướng cũng có nhiều loại, nhiều vị: Bánh nướng đậu xanh (được làm từ nhân đậu xanh), bánh nướng thập cẩm, bánh nướng khoai môn, bánh nướng trà xanh, bánh nướng trứng muối.

Dù nguyên liệu tạo nên nhân bánh nướng có khác nhau, nhưng phải nói là vị nào cũng ngon. Nhờ khâu nướng mà bánh nướng có đặc trưng là vỏ bánh rất dẻo và dễ ăn do không bị ngấy. Vị mỡ được trung hòa trong lửa làm bánh nướng vừa mềm, vừa thơm, ngậy vừa phải và có vị bùi dễ chịu mà ít thức bánh nào có được.

Xem thêm:  Mâm cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng chạp cần những gì?

Bánh dẻo

Cũng giống như bánh nướng, bánh dẻo là 1 trong 2 vị bánh truyền thống đại diện của tết thiếu nhi. Tuy nhiên bánh dẻo có phần vỏ mềm hơn, dẻo quánh và đậm vị ngọt. So với bánh nướng, bánh dẻo được đánh giá là kén người dùng vì vị ngọn khá gắt mà không phải ai cũng thích. Còn về phần nhân thì cũng như bánh nướng, bánh dẻo có các vị nhân phổ biến là nhân thập cẩm, nhân đậu xanh, nhân trứng muối, nhân khoai môn, nhân trà xanh, từ đó quy định luôn tên gọi đi kèm của bánh (ví dụ bánh dẻo khoai môn).

Các hoạt động truyền thống tổ chức trong ngày tết đoàn viên tại Việt Nam

Không chỉ tại Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia có tết trung thu khác, trung thu chắc chắn không thể thiếu được các hoạt động vui chơi truyền thống. Từ ý nghĩa là những trò chơi đậm tính dân gian, nhiều hoạt động vui chơi của tết trung thu đã được nâng lên tầm quốc gia, dân tộc. Ví dụ như: Múa lân, thả hoa đăng cầu nguyện, tục rước đèn.

Múa lân

Múa lân hay còn gọi là múa rồng – sư tử là hình ảnh đã quá quen thuộc của tết trung thu. Dù ở thành phố hay nông thôn, hoạt động này cũng được tổ chức long trọng và có ý nghĩa phổ biến rộng rãi.

Thả hoa đăng

Thả hoa đăng có bản chất là thả đèn trên sông, là hoạt động được diễn ra nhiều nhất vào dịp tết trung thu có ý nghĩa cầu mong về sự may mắn.

Một số hoạt động khác

  • Rước đèn
  • Tặng quà
  • Trông trăng
  • Bày cỗ – phá cỗ

Vậy là với dung lượng của một bài thông tin không quá dài nhưng Ban biên tập của trang Đồ Cúng Nhân Tâm đã giới thiệu khá đầy đủ, chi tiết đến bạn đọc về ngày Rằm trung thu – Tết đoàn viên tháng Tám tại Việt Nam, hy vọng đã cung cấp những kiến thức hữu ích cho bạn đọc. Hãy cùng nhau trân trọng, gìn giữ, lan truyền giá trị văn hóa của ngày tết đoàn viên này nhé. Cảm ơn vì đã đồng hành!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.